Có nên đầu tư cổ phiếu ngân hàng cho năm 2025?
Trong chỉ số VNIndex, nhóm cổ phiếu ngân hàng chiếm tỷ trọng 40%. Giá cổ phiếu nhóm này (18 ngân hàng đại diện) trong năm 2024 đã tăng vượt trội hơn VNIndex ở mức 26% so với mức tăng 12% của VNIndex.
Tôi cho rằng, động lực để thúc đẩy kinh tế Việt Nam hay thúc đẩy tăng trưởng GDP Việt Nam ở năm 2025 sẽ đến từ tiêu dùng, hạ tầng và bất động sản chứ sẽ không còn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và du lịch như năm 2024 nữa.
Vậy câu hỏi đặt ra là nếu xuất khẩu chậm lại thì có phải các doanh nghiệp này sẽ không đi vay nhiều và sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng. Câu trả lời là Không! Bản thân các doanh nghiệp xuất khẩu phần lớn sử dụng vốn từ FDI nhiều hơn là đi vay các ngân hàng trong nước. Điều này đồng nghĩa rằng xuất khẩu có chậm lại thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến các ngân hàng.
Đồng thời, sự hồi phục từ tiêu dùng, hạ tầng và bất động sản lại là yếu tố kích thích tăng trưởng cho nhóm ngân hàng. Phù hợp hơn với định hướng đặt ra tăng trưởng tín dụng đạt 16% toàn hệ thống.
Câu chuyện về NIM
Trước đây, khi môi trường cho vay cạnh tranh và các ngân hàng chuyển hướng sang cho vay doanh nghiệp do tệp khách hàng cá nhân đang bị ảnh hưởng bởi thắt chặt chi tiêu. Việc cho vay doanh nghiệp thường ngắn hạn, lãi suất thấp để cạnh tranh nên NIM sẽ không cao ở năm 2024.
Ở bối cảnh năm 2025 thì sẽ dịch chuyển trở lại cho vay khách hàng cá nhân và bất động sản nhiều hơn. Đặc thù nhóm khách hàng này sẽ cho vay dài hạn, NIM sẽ được cải thiện do ngân hàng dùng tiền gửi ngắn hạn để cho vay dài hạn hơn.
Chưa kể, cho vay cơ sở hạ tầng cũng là một kênh cho vay dài hạn giúp ngân hàng đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng.
Tuy nhiên, cũng cần phải cân nhắc thêm một yếu tố rủi ro là tỷ giá tính từ đầu năm 2024 đã tăng lên gần 5%. Điều này gây áp lực lớn đối với nhà điều hành chính sách sẽ phải thực hiện tăng lãi suất tiền gửi để tránh mất giá đồng VNĐ. Yếu tố này sẽ làm cản trở việc mở rộng NIM.
Chất lượng tài sản - Tỷ lệ nợ xấu
Thời điểm gây áp lực nhiều nhất cho các ngân hàng là vào năm 2023, sau sự kiện Vạn Thịnh Phát - SCB nổ ra vào cuối năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đang duy trì ở mức quanh 2% kể từ đó và đang có dấu hiệu tích cực suy giảm nhờ các biện pháp gia hạn nợ.
Đồng thời, bắt đầu có sự ghi nhận thu nhập từ việc thu hồi nợ xấu đã xử lý, nguồn này đóng góp khoảng 10% tổng lợi nhuận của ngành trong năm 2024.
Chọn ngân hàng như thế nào?
Có 2 nhóm cổ phiếu ngân hàng như sau:
Nhóm ngân hàng có chất lượng tài sản tốt, mục đích cho vay đa dạng và ít phụ thuộc vào lĩnh vực bất động sản: ACB, VCB, CTG, BID và STB.
Nhóm ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản cao và cho vay tiêu dùng: TCB, VPB, MBB và HDB.
Ở nhóm 1, các ngân hàng này vốn dĩ cho vay thận trọng và không gắn liền với các dự án bất động sản. Dư địa để mở rộng cho vay còn nhiều bởi họ không bị giữ chân bởi các dự án đang vướng mắc về pháp lý. Việc thu hồi nợ xấu cũng đơn giản hơn nhóm còn lại.
Ở nhóm 2, nhóm này sẽ phụ thuộc nhiều vào việc Chính phủ quyết tâm đổi mới chính sách từ pháp lý cho đến hỗ trợ lãi suất. Giúp những vướn mắc của nhóm ngân hàng này được tháo gỡ. Đặc biệt là khi thị trường bất động sản hồi phục.
Tóm lại
Kỳ vọng giá cổ phiếu ngân hàng năm 2025 sẽ tiếp tục tăng tốt nhờ các động lực tăng trưởng GDP kéo theo tăng trưởng lợi nhuận ngành. Mức định giá hấp dẫn dự phóng năm 2025 với hệ số P/B ở 1,3x ứng với tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) là 16%.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục phân hóa, chúng ta nên tập trung vào các ngân hàng có hưởng lợi từ chính sách. Tránh các ngân hàng đang bị vướng vào các tồn đọng ở các dự án mà pháp lý chưa tháo gỡ được. Hoặc ý tưởng đầu tư vào các ngân hàng sắp hoàn thành quá trình tái cơ cấu hoặc có kế hoạch chuyển đổi số mạnh mẽ hoặc có kế hoạch tăng vốn…