Việt Nam có thể chào đón làn sóng FDI lần thứ 4, ngành nào hưởng lợi?
Đó là tiêu đề của bài báo trên Nikkei được đăng vào tháng 10, đúng 1 tháng sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 9/2023. Là một nhà đầu tư chứng khoán, chúng ta nên làm gì?
3 làn sóng FDI trước đó tại Việt Nam
Trước khi bàn đến câu chuyện đầu tư gì với làn sóng FDI lần thứ 4 này, cùng mình liệt kê lại 3 làn sóng FDI trước đó của Việt Nam:
Làn sóng đầu tiên là khi Honda Motor bắt đầu sản xuất xe hai bánh tại Việt Nam vào năm 1997.
Làn sóng thứ hai kéo dài từ những năm 2000 đến năm 2008 khi ngân hàng Lehman Brothers (Mỹ) sụp đổ, gây ra khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong khoảng thời gian này, Samsung Electronics đầu tư cơ sở sản xuất điện thoại thông minh tại Bắc Ninh năm 2009.
Lần bùng nổ thứ ba, dường như đã diễn ra mạnh mẽ vào giữa những năm 2010. Với sức mua ngày càng tăng, Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp tiêu dùng nước ngoài. Đơn cử, gã khổng lồ bán lẻ Nhật Bản Aeon đã khai trương cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam, Aeon Mall Tân Phú Celadon năm 2014.
Định hướng phát triển của Chính phủ trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài
Rất rõ ràng, Chính phủ đang muốn thoát khỏi cái mác “chẳng làm nổi con ốc vít”. Mong muốn của Việt Nam là muốn chuyển hướng từ các ngành thâm dụng lao động truyền thống như dệt may, lắp ráp điện tử sang các ngành công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao hơn.
Đó là lý do trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 9, Tổng thống Joe Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xác lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa qua đã yêu cầu xây dựng đề án phát triển nhân lực với mục tiêu đào tạo 30.000-50.000 kỹ sư, 100 chuyên gia về chuyển đổi số, sản xuất chip, bán dẫn.
Sự hợp tác với các công ty công nghệ Mỹ, đặc biệt là các công ty chiếm vị thế trong lĩnh vực bán dẫn, AI, sẽ rất quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu công nghiệp đất nước.
Trước đó, nguồn vốn FDI của Mỹ vào Việt Nam cũng đang rất khiêm tốn so với các quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc. Cụ thể:
Tính đến cuối 2022, tổng vốn đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Việt Nam là 11,4 tỷ USD, đứng thứ 11 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ có rót vốn vào thị trường hơn 100 triệu dân này.
Hiện tại, Hàn Quốc đang rót 80,9 tỷ USD, Singapore là 70,8 tỷ USD, Nhật Bản là 68,8 tỷ USD vào Việt Nam.
Việt Nam cũng đang cân nhắc các biện pháp, chính sách mới để thu hút các công ty đa quốc gia.
Dưới góc nhìn đầu tư trên thị trường chứng khoán
Dòng vốn FDI của Mỹ là cực kỳ chất lượng khi tập trung vào các ngành có giá trị gia tăng cao.
Chỉ tính riêng trong ngành bán dẫn, theo báo cáo của Hiệp hội Công nghiệp bán, doanh thu chip bán dẫn toàn cầu năm 2022 là khoảng 556 tỷ USD và sẽ đạt quy mô 1.400 tỷ USD vào 2029!
Việt Nam đã và đang đứng trước cơ hội rất lớn được bước vào chuỗi giá trị sản xuất bán dẫn toàn cầu đầy tiềm năng.
Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động và bất ổn với chiến tranh, thiên tai, nguy cơ suy thoái kinh tế… như hiện nay, việc bước chân vào chuỗi giá trị toàn sẽ giúp Việt Nam có một tấm đệm giảm thiểu tác động xấu tới nền kinh tế.
Một số ngành được hưởng lợi trực tiếp từ làn sóng FDI lần thứ tư này mà nhà đầu tư có thể theo sát để đầu tư:
Bất động sản khu công nghiệp
Vật liệu xây dựng
Cảng biển
Mình sẽ viết một bài khác để phân tích từng nhóm ngành cụ thể và đầu tư vào cổ phiếu nào. Các bạn nhớ Subscribe để nhận được các bài viết tiếp theo.